Chiều 29/10, tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Tham gia thảo luận về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại Tổ số 18, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ nhất trí về sự cần thiết nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét Luật Đầu tư công (sửa đổi) nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật.
Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam) phát biểu thảo luận. |
Quan tâm nhóm chính sách về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam) chỉ rõ, một trong những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Đầu tư công năm 2019 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là việc phân cấp, phân quyền còn chưa triệt để, một số trình tự, thủ tục còn phải trình, báo cáo qua nhiều cấp, gây mất thời gian và ảnh hưởng đến tiến độ triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn và kết quả giải ngân trong kế hoạch đầu tư công hằng năm.
Do đó, đại biểu đánh giá cao việc sửa đổi Luật theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy trách nhiệm người đứng đầu, tính linh hoạt, chủ động của các cấp, các ngành trong quản lý và thực hiện kế hoạch đầu tư công, chuyển đổi phương thức quản lý theo hướng từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.
Góp ý về những sửa đổi, bổ sung cụ thể, đại biểu Trần Văn Khải nhất trí đề xuất quy định phân cấp thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng chung vốn ngân sách trung ương (NSTW), các khoản vốn NSTW chưa phân bổ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm từ Quốc hội cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội. “Chúng ta cần rút ngắn thời gian thực hiện, nâng cao tính sẵn sàng trong việc sử dụng các khoản vốn chưa phân bổ” - đại biểu nhấn mạnh.
Theo đại biểu, Chính phủ đề xuất phân cấp triệt để cho các Bộ, cơ quan trung ương trong việc quyết định và điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhóm A cũng sẽ giúp vừa thực hiện chính sách phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của bộ, cơ quan trung ương, vừa bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các dự án nhóm A quy mô lớn, có ảnh hưởng đến địa bàn nhiều địa phương.
Cùng với đó, Chính phủ đề xuất quy định việc phân cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C cho Ủy ban nhân dân các cấp. Đối với dự án nhóm A vẫn thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân các cấp. Đại biểu chỉ rõ, sự phân cấp mạnh mẽ này sẽ tạo sự chủ động cho Ủy ban nhân dân các cấp, đặc biệt là cấp tỉnh, trong việc chủ động quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C thuộc cấp mình quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thủ tục đầu tư, xây dựng kế hoạch đầu tư công. Thúc đẩy phân cấp, phân quyền, phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước.
Đại biểu cũng bày tỏ tán thành đề xuất quy định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương từ Hội đồng nhân dân các cấp cho Ủy ban nhân dân các cấp trong trường hợp thay đổi nhu cầu sử dụng hoặc khả năng triển khai thực hiện vốn kế hoạch hằng năm giữa các cơ quan, đơn vị của địa phương, dẫn đến phải điều chỉnh kế hoạch trung hạn giữa các đơn vị sử dụng ngân sách địa phương.
Đề xuất này, theo đại biểu Trần Văn Khải, sẽ tạo sự chủ động cho Ủy ban nhân dân các cấp sớm điều chỉnh kế hoạch vốn để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có căn cứ thực hiện, qua đó đẩy mạnh giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Đồng thời, tạo điều kiện cho Ủy ban nhân dân các cấp trong việc điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn, kịp thời giao vốn, hạn chế tối đa tình trạng “vốn chờ dự án”, “dự án chờ vốn” hiện nay, chậm đưa dòng vốn vào nền kinh tế, sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ không tán thành đề xuất phân cấp việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSTW giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cho Thủ tướng Chính phủ. Bởi cho rằng, nếu quy định như dự thảo Luật thì Quốc hội sẽ ủy quyền cho Thủ tướng Chính phủ là chưa hợp lý. Việc quyết định điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giữa các Bộ, ngành, địa phương được phân cấp cho UBTVQH là phù hợp với chức năng của cơ quan dân cử. Do vậy, đại biểu đề nghị giữ như quy định hiện hành để bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ số 18 |
Trong khi đó, góp ý về nhiệm vụ, quyền hạn trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đầu tư công, đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga (Đoàn Trà Vinh) đề nghị bổ sung các chế tài phù hợp về chậm trễ giải ngân vốn, không đảm bảo quy trình thủ tục trong hoạt động đầu tư công.
“Dự thảo luật có quy định cụ thể thì mới có cơ sở xử lý các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện không đảm bảo quy trình thủ tục và làm chậm trễ tiến độ thực hiện và giải ngân vốn thuộc về lỗi chủ quan” - đại biểu nêu rõ.
Mặt khác, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ có cơ chế giám sát chặt chẽ đối với các hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, nhất là đối với việc đầu tư. “Vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước được xem là tự chủ của doanh nghiệp, nên cần có quy trình kiểm tra, kiểm soát hiệu quả” - đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu cũng cho rằng, các Bộ liên quan cần có kế hoạch kiểm tra quy trình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước. Vấn đề cổ phần hoá nên giám sát chặt chẽ, tránh trường hợp vay nợ lớn để mở rộng quy mô, đầu tư dàn trải vào nhiều lĩnh vực ngành nghề, phát triển các hoạt động ngoài ngành nghề chính, vấn đề độc quyền và có khả năng làm lũng đoạn thị trường, quản lý kém gây thất thoát vốn, kinh doanh thua lỗ, sử dụng chưa hiệu quả vốn đầu tư công./.