Miền trung ứng phó với biến đổi khí hậu
Chương trình nhằm hướng ứng Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai (13-11-2015) với chủ đề “kiến thức cho cuộc sống” thu hút sự tham gia của các địa phương: Thanh Hóa, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Nhiều sáng kiến thiết thực đối với những vùng chịu ảnh hưởng từ thiên tai như: “Ứng dụng cảnh báo sớm cho người dân” của Trung tâm Thông tin Dịch vụ công (TP Đà Nẵng); “Thuyền cứu hộ an toàn” của UBND xã Đại Hồng (Đại Lộc, Quảng Nam); “Kỹ năng sơ cấp cứu cho người bị thương” của UBND xã Duy Thành (Duy Xuyên, Quảng Nam).
Ngoài ra, chương trình cũng đã tổ chức triển lãm tranh giới thiệu về những phương pháp xử lý trước và khi gặp thiên tai; truyền thông kịch, nhạc cảnh để tuyên truyền tới người dân về biến đổi khí hậu.
Nhiều mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu đã triển khai tại các địa phương cũng đạt hiệu quả như: mô hình lúa chịu mặn kết hợp với cá nước ngọt, mô hình bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên rừng ngập mặn trên địa bàn huyện Hương Trà (Thừa Thiên - Huế); mô hình: chăn nuôi gà địa phương thả vườn, trồng rau ăn lá và chăn nuôi lợn móng cái tại tỉnh Quảng Nam…
Theo CCN, dự báo đến năm 2015, Việt Nam có khoảng 135 nghìn hộ dân phải tái định cư vì lý do môi trường. 30 năm tới, Việt Nam là một trong 30 quốc gia “có nguy cơ bị ảnh hưởng rất lớn” bởi các tác động của biến đổi khí hậu. Nước biển dâng sẽ khiến 22 triệu người Việt Nam mất nhà cửa với thiệt hại lên tới 10%GDP. Bởi vậy, chương trình nhằm tuyên truyền đến nhận thức của người dân trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu; việc ứng dụng và nhân rộng những mô hình có hiệu quả tốt nhằm giúp người dân giảm nhẹ rủi ro thiên tai.