Đường sắt bắc - nam tê liệt do bão số 9
Đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 24 đến sáng 25-11 đã gây ngập cục bộ nhiều vùng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Tuyến đường sắt bắc - nam (đoạn ngang qua tỉnh này) bị sạt lở nghiêm trọng. Nước lũ cuốn phăng hơn 300m nền đất móng dưới đường ray tàu, làm cho nhiều đoạn đường ray bắc qua sông suối bị hỏng chân đất, để lộ cả dàn ray, tà vẹt trơ trọi, vắt vẻo rất nguy hiểm, khiến đường sắt bị tê liệt.
Sau khi nhận được tin báo của người dân về những đoạn đường ray bị nước lũ cuốn phăng, gây hư hỏng, sáng 25-11, Công ty Quản lý Đường sắt Thuận Hải đã điều động gần 100 công nhân, cùng nhiều phương tiện cơ giới đến những nơi xảy ra sự cố để khẩn trương khắc phục hư hỏng.
Tại đoạn đường sắt đi ngang qua xã Công Hải, huyện Thuận Bắc, nhiều điểm đã bị nước lũ cuốn phăng hầu hết phần đất đá bồi đắp phía dưới làm nền móng cho đường ray, khiến nhiều đoạn đường ray lộ ra khung “xương” trơ trọi, vắt vẻo qua những sông, suối.
Công ty Quản lý Đường sắt Thuận Hải tập trung nguồn lực khắc phục những đoạn đường ray bị sạt lở. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)
Tại hiện trường, Giám đốc Công ty CP Đường sắt Thuận Hải Lê Bá Tuấn Vũ, cho biết: “Trên tuyến đường sắt do đơn vị quản lý có nhiều điểm bị sạt lở. Từ Km 1382 + 600 - Km 1383 +300 bị sạt lở nặng nề. Công ty đã tập trung mọi nguồn lực để khắc phục, để sớm bảo đảm giao thông ổn định trở lại”.
Nhiều người dân gần đó cho hay, khoảng 21 giờ ngày 24-11, nước lũ từ thượng nguồn đổ về rất mạnh, trong chốc lát, đoạn đường sắt tại Km 1382 + 600 (cách ga Cà-Rôm khoảng 500m) bị sạt lở hơn 300m, nhiều hộ sống gần đó vội vã di dời đến nơi khác ở tạm.
Dự kiến, phải mất hai đến ba ngày mới khắc phục xong những vị trí hư hỏng trên tuyến đường sắt, đoạn đi qua địa bàn Ninh Thuận.
Thôn Gò Đền, xã Tân Hải, huyện Ninh Hải ngập trong biển nước. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)
Nhiều vùng hạ lưu, vùng trũng ở Ninh Thuận cũng bị ngập cục bộ. Từ đường quốc lộ 1A nhìn về thôn Gò Đền, xã Tân Hải, huyện Ninh Hải như một biển nước. Ông Hữu Tín cho biết, khi thấy mưa to, nhiều người cũng nghĩ đến chuyện di dời, nhưng do cùng thời điểm triều cường và nước lũ trên thượng nguồn đổ về quá mạnh, chỉ trong chốc lát, cả thôn chìm trong biển nước, bà con vội vã sơ tán, tài sản hầu như bỏ lại nhà vì nước ngập hơn 1m, rất khó khăn.
Đến 14 giờ ngày 25-11, Ninh Thuận đã ngớt mưa, nhiều vùng đã có nắng. Tỉnh đang chỉ đạo các cấp, các ngành huy động mọi điều kiện có thể để khắc phục hậu quả, giúp người dân sớm ổn định đời sống.
* Mưa lũ cũng khiến đất đá tràn vào đường sắt đoạn km 1306+100 - 1306+450, ngành đường sắt phải phong tỏa khu gian Lương Sơn - Nha Trang lúc 21 giờ 30 phút. Đến sáng 25-11, đường sắt qua khu vực này tiếp tục bị ảnh hưởng, hư hỏng do bão. Nước chảy xiết, ngập đỉnh ray 30 cm từ (km 1422+950 - km 1423+300), phải phong tỏa khu gian Hòa Trinh - Cà Ná lúc 5 giờ 23 phút, sáng 25-11.
Tuyến đường sắt hư hỏng khiến nhiều chuyến tàu bị ách tắc. Tổng Công ty ĐSVN đang lên phương án thực hiện chuyển tải các đoàn tàu đang nằm chờ ở các ga trong khu vực như SE1, SE2, SE10... số lượng lên tới hàng nghìn hành khách.
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty ĐSVN Phan Quốc Anh cho biết, Tổng công ty đã huy động các đơn vị đường sắt cùng thiết bị, phương tiện ra khu vực hư hỏng khẩn trương cứu chữa, khắc phục để thông tàu sớm nhất qua từng vị trí.
Tuy nhiên, công tác khắc phục đang gặp nhiều khó khăn do nước lũ vẫn đang gây ngập nhiều vị trí như ga Cây Cầy ngập hết đường sắt trong ga, tàu công trình không thể đi qua để ra vị trí hư hỏng nên chưa thể dự kiến thời gian thông đường.