Những thuận lợi và khó khăn của du lịch Việt Nam khi gia nhập WTO
Những năm qua được sự quan tâm chỉ đạo của Ðảng và Nhà nước, sự hỗ trợ của các ban, ngành liên quan và nỗ lực tự thân của toàn ngành, du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đang từng bước hội nhập vào quá trình phát triển của du lịch thế giới. Vị thế du lịch Việt Nam ngày càng được khẳng định và nâng cao.
Thực hiện Chiến lược phát triển du lịch và Chương trình hành động quốc gia về du lịch, chúng ta đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, riêng trong 5 năm qua là 2.146 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật ở các khu du lịch trọng điểm và thu hút được hơn 190 dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào du lịch với tổng số vốn là 4,64 tỷ USD.
Hàng trăm khách sạn, khu du lịch cao cấp được xây mới, gia tăng số lượng phòng khách sạn và những sản phẩm du lịch đạt tiêu chuẩn phục vụ khách quốc tế. Công tác xúc tiến, quảng bá, đào tạo nhân lực cũng được đẩy mạnh. Những yếu tố đó dẫn đến việc lượng du khách đến nước ta ngày càng đông và đạt 3,43 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2005.
Chúng ta cũng đã hoàn thành và đưa vào triển khai Luật Du lịch và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn tạo ra một môi trường pháp lý rõ ràng hơn trong hoạt động kinh doanh du lịch. Trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, lực lượng kinh doanh du lịch nước ta cũng đã phát triển, thích nghi dần với cơ chế mới.
Các doanh nghiệp du lịch Nhà nước cũng đang được cổ phần hóa và sắp xếp lại theo hướng hình thành những tập đoàn du lịch mạnh, Công ty mẹ - công ty con để từng bước làm ăn hiệu quả trước môi trường cạnh tranh quốc tế. Du lịch Việt Nam còn mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế, ký 26 hiệp định hợp tác du lịch song phương cấp Chính phủ với các nước trong và ngoài khu vực, thiết lập quan hệ với hơn 1.000 hãng du lịch của hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Chúng ta còn tham gia tích cực và hiệu quả vào các diễn đàn hợp tác du lịch quốc tế và khu vực như Tổ chức Du lịch Thế giới, hợp tác du lịch ASEAN, Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương, chương trình phát triển du lịch tiểu vùng sông Mê Công mở rộng, hợp tác hành lang Ðông - Tây, hợp tác du lịch sông Mê Công - sông Hằng, v.v. và vừa qua du lịch nước ta đã tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC 2006 được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Du lịch Việt Nam đang đứng trước vận hội mới, vị thế Việt Nam đã được nâng lên, "sân chơi" rộng mở và luật chơi cũng rõ ràng. Tiến trình hội nhập WTO sẽ thúc đẩy việc cải thiện và mở rộng các mối quan hệ kinh tế song phương, đa phương giữa Việt Nam và thế giới, góp phần giúp môi trường đầu tư kinh doanh nói chung và trong lĩnh vực du lịch nói riêng của nước ta ngày một thông thoáng hơn, cạnh tranh tự do và bình đẳng hơn. Do vậy khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia và huy động được nhiều nguồn vào các hoạt động kinh doanh và phát triển du lịch.
Ðặc biệt, khả năng thu hút vốn FDI của ta ngày càng được cải thiện. Ðây là nguồn vốn quan trọng để phát triển ngành du lịch nước ta theo kịp trình độ của các nước trong khu vực và thế giới. WTO đang mở ra những viễn cảnh đầu tư mới. Hiện tại nhiều tập đoàn kinh tế lớn đang hướng sự chú ý đến Việt Nam và "đổ bộ" vào đầu tư đón đầu trong lĩnh vực du lịch.
Lượng vốn này đã đạt tới 2,2 tỷ USD trong tổng vốn 5,15 tỷ USD đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong chín tháng qua. Hội nhập cũng tạo cơ hội học hỏi kiến thức, kinh nghiệm, trình độ quản lý, tổ chức khai thác kinh doanh du lịch từ những nước có nền du lịch phát triển; giúp đào tạo đội ngũ nhân lực theo kịp trình độ quốc tế. Sự rỡ bỏ những rào cản còn cho phép gia tăng luồng lưu chuyển du khách giữa các nước. Bên cạnh đó, sức ép cạnh tranh do hội nhập cũng là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy tiến trình đổi mới, hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp du lịch nhằm tồn tại và phát triển một cách bền vững.
Du lịch Việt Nam đang trong giai đoạn ban đầu gia nhập WTO, cho nên phải vừa hợp tác, vừa tìm hiểu cơ chế và luật chơi quốc tế. Vì vậy có nhiều hạn chế và khó khăn, trong khi hệ thống luật pháp chưa hoàn chỉnh. Thực tế năng lực cạnh tranh của du lịch nước ta còn thấp bởi dịch vụ chưa đa dạng, cơ sở hạ tầng không theo kịp tốc độ phát triển, chất lượng dịch vụ còn kém, giá cả cao, sản phẩm du lịch ít phong phú. Dẫn đến du lịch nước ta chưa giữ chân được khách, kéo dài thời gian lưu trú, tỷ lệ du khách quay lại lần hai còn thấp.
Hội nhập sẽ tạo áp lực rất lớn với doanh nghiệp du lịch Việt Nam trong cạnh tranh. Phần lớn doanh nghiệp du lịch của ta thuộc loại nhỏ, chất lượng dịch vụ hạn chế, năng lực quản lý thấp. Ðội ngũ nhân lực du lịch thiếu và yếu về trình độ ngoại ngữ và kinh nghiệm, nhất là thiếu những người có chuyên môn cao. Quá trình hội nhập, mở cửa cũng có thể tạo ra nguy cơ phá hoại môi trường và cảnh quan du lịch nếu không có sự quan tâm và những biện pháp quản lý hiệu quả. Ðó là một số thách thức chính đang đặt ra đối với ngành du lịch nói chung và các doanh nghiệp du lịch Việt Nam nói riêng.
Hội nhập kinh tế là xu thế tất yếu. Trong quá trình hội nhập, Nhà nước chỉ hỗ trợ, tạo môi trường pháp lý thông thoáng và thuận lợi, còn thành công tùy thuộc vào sức cạnh tranh, vào sự năng động của doanh nghiệp. Do vậy, đã đến lúc các doanh nghiệp không thể trông chờ vào sự bảo hộ của Nhà nước mà phải bắt tay vào cuộc, thật sự tự thân nỗ lực.
Trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ hướng dẫn cụ thể những cam kết thực hiện lộ trình WTO theo các kết quả đàm phán để các doanh nghiệp biết và chủ động chuẩn bị, điều chỉnh phương hướng kinh doanh, phát triển; phối hợp các địa phương, doanh nghiệp nghiên cứu tìm ra các giải pháp trong bảo đảm một môi trường du lịch lành mạnh, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, thúc đẩy việc xây dựng các văn phòng đại diện du lịch Việt Nam ở nước ngoài; đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường một cách bài bản, chuyên nghiệp để thâm nhập, khai thác và mở rộng các thị trường.
Ðồng thời, điều quan trọng nữa là toàn ngành phải có ý thức xây dựng những sản phẩm du lịch đặc sắc dựa trên thế mạnh tiềm năng của đất nước và từng vùng miền, nhằm tạo dựng hình ảnh Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện. Bên cạnh đó là những biện pháp trong mở rộng đào tạo nhân lực du lịch cả về bề rộng và chiều sâu để có được một đội ngũ cán bộ, lao động giỏi chuyên môn, thông thạo ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển.
Anh hùng lao động Phạm Đức Mấn, Giám đốc công ty khách sạn du lịch Kim Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam: Trong môi trường cạnh tranh khi Việt Nam gia nhập WTO, nếu không có sự chủ động chuẩn bị, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam, nhất là những đơn vị lữ hành, rất dễ rơi vào tình trạng phụ thuộc và trở thành làm thuê cho doanh nghiệp nước ngoài. Một điều hiển nhiên, thị trường khách là của họ, muốn thâm nhập được, chúng ta phải nắm vững thị trường, hiểu được đối tác cùng luật chơi. Quá trình hội nhập sẽ giúp các doanh nghiệp nắm bắt dễ dàng hơn những xu thế quốc tế, diễn biến của thị trường, của đối tác và đối thủ cạnh tranh trong khu vực và thế giới để có những điều chỉnh cần thiết và khai thác những cơ hội tốt nhất cho mình. Các doanh nghiệp cần chú trọng công tác xúc tiến, quảng bá và liên kết, phối hợp doanh nghiệp nước ngoài để khai thác thị trường. Tham gia vốn một cách bình đẳng, để từ đó có một vị thế và sự chủ động trong hợp tác kinh doanh hai bên cùng có lợi. Ðiều quan trọng nhất là đào tạo được đội ngũ nhân lực có kiến thức về kinh tế, hiểu biết luật pháp, có nghiệp vụ quản lý, hiểu biết về thị trường, giỏi chuyên môn và ngoại ngữ. Ngoài ra, phải tập trung đầu tư nâng cao chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật. Ðây là điều kiện để doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thu hút khách. Theo tôi, Tổng cục Du lịch nên nhanh chóng có những nghiên cứu chuyên đề khoa học về du lịch Việt Nam trong quá trình nước ta gia nhập WTO, trong đó đề cập sâu các vấn đề quảng bá, nghiên cứu thị trường, những thách thức cùng các giải pháp vượt qua khó khăn, tận dụng cơ hội, từ đó hỗ trợ, giúp doanh nghiệp du lịch trong nước tham gia một cách hữu hiệu nhất vào "sân chơi" WTO. |
Giám đốc Sở du lịch Hà Tây Trương Minh Tiên: Lợi thế của du lịch Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện trong một môi trường nhiều biến động của thế giới. Chúng ta lại có và sẽ có những sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa, lễ hội, làng nghề đặc sắc được tạo dựng từ nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn vô cùng phong phú. Ở đây phải tính đến sự liên kết trong xây dựng sản phẩm du lịch mang tính liên vùng, hỗ trợ lẫn nhau, thể hiện ở cả sự liên kết kinh doanh giữa các doanh nghiệp du lịch nhằm bảo vệ quyền lợi, sự thống nhất trong những chương trình hành động chung trước sức ép về chất lượng sản phẩm du lịch từ các doanh nghiệp nước ngoài. Ðể đẩy mạnh khả năng cạnh tranh và tạo điều kiện thu hút đầu tư của du lịch Việt Nam khi nước ta gia nhập WTO, cần có sự chỉ đạo của Nhà nước với việc tập trung quy hoạch tại các vùng du lịch, trước hết là các vùng du lịch trọng điểm vừa đạt tầm hiện đại, chất lượng cao, vừa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Mặt khác, cần phải tăng cường đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng ở các khu, điểm đến du lịch, nhất là các khu du lịch quốc gia. Thực tế ở một số dự án về cơ sở hạ tầng du lịch của Hà Tây như dự án cải tạo, làm mới đường giao thông, cải tạo cảnh quan và môi trường suối Yến của chùa Hương, rồi các dự án triển khai ở khu du lịch Vườn quốc gia Ba Vì đã cho thấy tính hiệu quả của sự đầu tư này trong việc thu hút du khách và tạo đà ban đầu để từ đó huy động nguồn vốn của các thành phần kinh tế đầu tư vào các khu, điểm du lịch này. |
Giám đốc Chi nhánh Công ty du lịch dịch vụ Bến Thành tourist tại Hà Nội Lưu Ðức Kế: Tôi được biết, nhiều hãng lữ hành nước ngoài đang tăng cường "nghe ngóng" khả năng được trực tiếp đưa khách vào Việt Nam sau khi chúng ta gia nhập WTO. Ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế trong nước cần khẩn trương đánh giá lại năng lực của mình để vạch ra chiến lược đúng đắn. Ðặc biệt, phải giữ bằng được lượng khách trong nước. Chúng tôi rất mong chờ Chính phủ công bố rõ những cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, đặc biệt là các cam kết về du lịch để chuẩn bị chiến lược kinh doanh mới. Một lo lắng hiện nay là doanh nghiệp trong nước rất yếu về kiến thức pháp luật quốc tế. Nếu ta vi phạm hợp đồng thì bị khách hoặc đối tác kiện và phạt đến nơi đến chốn. Còn đối tác nước ngoài nợ tiền thì ta chẳng biết kiện ở đâu, làm thủ tục như thế nào. Tôi mong các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và Hiệp hội du lịch tổ chức nhiều buổi tập huấn, hội thảo chuyên đề về lĩnh vực này để bồi dưỡng thêm kiến thức cho doanh nghiệp. |
Phó giám đốc Công ty du lịch Hanoi Red Tours Nguyễn Mai Huệ: Trong "sân chơi" WTO, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội học hỏi và thay đổi cách thức hoạt động bài bản hơn. Là một doanh nghiệp lữ hành trẻ, nhưng có những định hướng và chiến lược đúng đắn, Hanoi Red tours đã chuẩn bị hành trang để bước vào WTO. Các cán bộ quản lý được bồi dưỡng thêm về luật trong nước và quốc tế, cập nhật thường xuyên về tiến trình gia nhập WTO để có thể điều hành doanh nghiệp tốt. Doanh nghiệp đã rà soát lại toàn bộ việc đăng ký thương hiệu, bản quyền về thương hiệu và sản phẩm để tránh những tổn thất trong kinh doanh. Xây dựng chiến lược kinh doanh theo mô hình tiên tiến của các nước, triệt để áp dụng công nghệ thông tin. Ðội ngũ nhân viên được đào tạo và nâng cao nhận thức, trách nhiệm, bổ sung những thông tin kỹ năng kinh doanh trong quá trình gia nhập WTO. |