Đồng bằng sông Cửu Long hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ (Kỳ 1)
Bài 1: Loay hoay trồng lúa sạch
Năm 2016, khối lượng xuất khẩu gạo của cả nước chỉ đạt khoảng 4,88 triệu tấn, kim ngạch 2,2 tỷ USD, giảm cả về lượng và giá trị so với năm 2015. Bên cạnh những lý do khách quan cũng như thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp thì đây cũng là hồi chuông cảnh báo đối với nền lúa gạo nước nhà, đòi hỏi cần có chiến lược phát triển toàn ngành bằng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), với các mức độ khác nhau, từ VietGAP, Global GAP, đến sản xuất theo hướng hữu cơ.
“Gạo ngon từ đất, gạo chất từ tâm”
Đó là những dòng chữ mà chúng tôi đọc được trên tấm biển chỉ dẫn đường vào Công ty TNHH MTV Nuôi trồng thủy sản Tâm Việt tại ấp Thượng, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Hơn hai năm nay, công ty thực hiện trồng lúa sạch theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, với diện tích hiện tại gần 40 ha.
Dẫn chúng tôi đi thăm những thửa ruộng xanh rì, anh Võ Văn Tiếng, Giám đốc Công ty chia sẻ: Chọn phương thức trồng lúa theo hướng hữu cơ là niềm ấp ủ của tôi từ nhiều năm trước, nhưng mãi đến năm 2015 mới có thể bắt đầu. Mong muốn khởi điểm là sản xuất ra hạt gạo thật sạch, thật ngon trên đồng đất không ô nhiễm. Vụ sản xuất đầu tiên chỉ huề vốn, vụ thứ hai năng suất đạt 4,4 tấn/ha, xay xát thành gạo đạt hơn 1,9 tấn/ha, trừ chi phí và thuê đất, lợi nhuận đạt hơn 18 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, đó chỉ là tính chi phí “cứng”, chưa tính chi phí “mềm”, như cải tạo đất bằng phân hữu cơ. Cụ thể, những vụ đầu, để cải tạo đất đã nhiễm quá nhiều phân hóa học, phải sạ khoảng hai tấn phân hữu cơ/ha. Với giá năm triệu đồng/tấn phân hữu cơ, 10 ha đã lên tới 100 triệu đồng. Đây là con số không nhỏ với nhà nông, nhưng thật sự để sản xuất theo hướng hữu cơ thì không có cách nào khác.
Đến thời điểm này, anh Tiếng đã đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận nhãn hiệu hàng hóa “Gạo an toàn Tâm Việt”, sản xuất theo tiêu chuẩn HACCP (tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý chất lượng trong quá trình sản xuất chế biến thực phẩm của doanh nghiệp). Công ty của anh đang từng bước gửi mẫu đất, nước, gạo thành phẩm đến cơ quan chứng nhận hữu cơ quốc tế. Mặc dù năng suất không cao như sản xuất lúa thông thường, nhưng giá bán hiện đạt 32 nghìn đồng/kg, gấp hai lần giá gạo cùng loại nên vẫn duy trì được mức lợi nhuận cho người trồng. Tới đây, khi đồng đất, nguồn nước được làm sạch, khoanh được vùng trồng, thì giá gạo cũng sẽ tăng, dự kiến đạt mức 50 đến 60 nghìn đồng/kg.
Tại An Giang, sản xuất lúa sạch được thực hiện thành chuỗi giá trị, như cách làm của Tập đoàn Lộc Trời; liên kết sản xuất lúa Nhật Bản của Công ty Angimex - Kitoku; hay vùng chuyên canh nếp Phú Tân. Mô hình liên kết trồng lúa Nhật Bản hiện sản xuất trên diện tích 1.500 đến 2.000 ha. Ông Nguyễn Văn Bình, xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn cho biết: "Trước đây, gia đình tôi sản xuất 5 ha lúa hàng hóa, nhưng cứ vào vụ thu hoạch là giá lúa sụt giảm, cộng với thương lái ép giá cho nên lợi nhuận rất thấp, thậm chí có vụ không lãi đồng nào. Từ khi tham gia mô hình sản xuất lúa Nhật Bản, được công ty bao tiêu sản phẩm, giá ổn định nên lợi nhuận cao. Hiện tôi đã thuê thêm 15 ha đất để sản xuất lúa Nhật Bản". Để nâng cao hiệu quả kinh tế của mô hình, hiện Hội Nông dân tỉnh An Giang đã thành lập ban điều hành tại năm huyện, thành phố với 27 xã, trong đó có 40 tổ hợp tác với hơn 1.400 thành viên, tổng diện tích canh tác khoảng bốn nghìn ha.
Thực hiện mô hình chuỗi lúa gạo khép kín, Tập đoàn Lộc Trời đã liên kết 25 nghìn nông hộ, tổ chức lại sản xuất, cung cấp giống, hỗ trợ vật tư nông nghiệp và xây dựng thành những cánh đồng lớn. Hiện Tập đoàn có hệ thống năm nhà máy chế biến với công nghệ tiên tiến, cung cấp nhiều sản phẩm gạo chất lượng cao cho thị trường nội địa và quốc tế. Nói về mô hình này, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn cho biết: Đây là chương trình sản xuất lúa gạo bền vững, gọi tắt là SRP (Diễn đàn Lúa gạo bền vững Quốc tế). SRP chính là bộ tiêu chuẩn có các chỉ số đo lường cụ thể, nhấn mạnh đến các yếu tố kinh tế - xã hội, môi trường, trong đó chú trọng kiểm soát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phù hợp, giảm khí thải nhà kính. Thực hiện tiêu chuẩn SRP đạt được ba lợi ích quan trọng: Nông dân thực hiện sản xuất sạch và tiếp cận chuỗi cung ứng minh bạch. Nhà sản xuất kiểm soát được chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ đó, tạo thương hiệu cho “hạt Lộc Trời”, tăng cường lòng tin của khách hàng, nâng cao quyền thương lượng về giá đối với nhà bán lẻ.
Để không “giữa đường đứt gánh”
Tại ĐBSCL, việc sản xuất lúa chất lượng cao, theo hướng hữu cơ đã bắt đầu được nhiều đơn vị, cá nhân theo đuổi. Tuy nhiên, những mô hình thành công và trên đà phát triển như của Công ty Angimex - Kitoku, Tập đoàn Lộc Trời hay Tâm Việt vẫn còn rất ít. Không ít doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đã từng có liên kết sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP nhiều năm, nhưng rồi lại “giữa đường đứt gánh”. Cụ thể, như liên kết sản xuất lúa GlobalGAP giữa Công ty cổ phần Gentraco và HTX Khiết Tâm (ấp D2, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ). Từ năm 2012 - 2015, hai bên liên kết sản xuất hơn 100 ha lúa GlobalGAP nhưng đến năm 2016 buộc phải dừng lại.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Trưởng phòng Đầu tư Công ty cổ phần Gentraco Nguyễn Minh Trung Đức chia sẻ: Việc dừng sản xuất GlobalGAP là do gạo sản xuất ra có giá bán không cao hơn so với gạo thông thường, trong khi công ty vẫn phải thu mua lúa của các hộ xã viên với mức giá cao hơn. Mặt khác, trong quá trình sản xuất, do GlobalGAP yêu cầu quá nhiều tiêu chí khắt khe, nên một số hộ dân không tuân thủ đầy đủ, dẫn đến chất lượng lúa không đồng đều, càng khó khăn hơn cho công ty trong việc phân loại gạo và làm giá.
Không chỉ ở TP Cần Thơ, tại tỉnh Đồng Tháp, nhiều doanh nghiệp và HTX cũng loay hoay trong việc triển khai thực hiện sản xuất lúa theo tiêu chuẩn sạch. Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp Đồng Tháp Mười Trần Đức Long cho biết: Công ty đang liên kết với HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh sản xuất 32 ha lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, cũng gặp không ít khó khăn như các doanh nghiệp khác. Thí dụ, quy định sau hai năm phải đánh giá lại việc thực hiện các tiêu chí một lần, khiến doanh nghiệp tốn nhiều chi phí. Cụ thể, nếu cứ 100 ha thực hiện VietGAP thì khi đánh giá lại sẽ mất tổng chi phí khoảng 200 triệu đồng. Trong khi việc thí điểm thực hiện mô hình sau hai năm chưa hẳn đã đem lại lợi nhuận như mong muốn, thậm chí chỉ hòa hoặc chịu lỗ.
Việc doanh nghiệp chưa thể tiêu thụ được gạo theo chuẩn GAP hay kinh doanh chưa đạt lợi nhuận để có kinh phí “tái tạo”, xét cho cùng vẫn do chưa tìm được đầu ra hiệu quả. Thực tế, những mô hình thành công nhờ có đầu ra ổn định, dù là tiêu thụ trong nước như gạo Tâm Việt hay xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như gạo của Tập đoàn Lộc Trời và Công ty Angimex - Kitoku. Vì vậy, dù việc sản xuất theo các tiêu chuẩn GAP, dần tiến tới hữu cơ là hướng đi tất yếu của ngành lúa gạo ĐBSCL, thì việc mở rộng cũng phải tính kỹ đến yếu tố thị trường.
Từ thực tế địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan đánh giá: Để mở rộng ngay lập tức diện tích trồng lúa theo tiêu chuẩn GAP, nhất là theo tiêu chuẩn hữu cơ là rất khó, vì nhiều yếu tố liên quan như: đất đai, nguồn nước, tiềm lực tài chính, quản trị của doanh nghiệp nông nghiệp, tư duy sản xuất của nông dân, sự hỗ trợ từ chính quyền, các sở ngành liên quan trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, các địa phương nên chủ trương nhân rộng những mô hình nhỏ. Khi phương thức sản xuất này được nhân lên nhiều mô hình, thì sẽ dễ dàng mở rộng trên đơn vị diện tích lớn. Và đó cũng là thời gian để doanh nghiệp từng bước lớn mạnh, chiếm lĩnh thị trường nội địa, tìm kiếm thị trường xuất khẩu.
(Còn nữa)
Trong khi hàng chục nghìn hộ nông dân ĐBSCL đang thụ hưởng Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) do Ngân hàng Thế giới tài trợ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều hành để hướng nông dân trở về phương thức canh tác truyền thống cận hiện đại (canh tác có phân bón, hóa chất nhưng tự hạn chế) và dần hướng tới sản xuất hữu cơ, thì cùng với đó, rất nhiều hộ nông dân vẫn đang được các công ty thuốc bảo vệ thực vật khuyến khích sử dụng thuốc. Nếu không kiểm soát được tình hình này, chúng ta đừng tiếp tục đặt câu hỏi vì sao gần đây, gạo Cam-pu-chia vượt gạo Việt Nam cả về chất, về giá, niềm tin và thương hiệu. Đơn giản, họ canh tác theo phương thức thật sự hữu cơ.
(Kỹ sư nông nghiệp HỒ QUANG CUA)